Cái tiêu đề tôi viết cho nó hấp dẫn và ảo thế thôi, chứ thực chất “Công não” là một trong những tên gọi khác của phương pháp Brainstorming (Công não, Tập kích não, Động não,…). Đây là một phương pháp đã có từ rất lâu và người ta thường dùng phương pháp này trong việc Giải quyết các vấn đề, Phát triển sản phẩm mới, Xây dựng nhóm,… Tất nhiên, đây cũng là một phương pháp để các designer có thể dùng để khám phá bí ẩn đang ẩn sâu đâu đó trong não….

#Lịch sử hình thành và phát triển

Vào năm 1939, khi Alex Faickney Osborn (Một giám đốc quãng cáo) đang tìm kiếm phương pháp để giải quyết các vấn đề mà ông gặp phải một cách sáng tạo. Ông cảm thấy quá thất vọng khi các nhân viên của mình không có ý tưởng riêng độc đáo để xây dựng các chiến lược quãng cáo. Khi đó, ông đẩy mạnh các buổi hợp nhóm và yêu cầu nhân viên đưa ra các ý tưởng của mình. Ông phát hiện ra rằng, càng lúc ý tưởng mà nhân viên nêu ra đã dần được cải thiện một cách rõ rệt về chất lượng.

Năm 1948 thì Osborn đã phát thảo về phương pháp này trong quyển sách “Your Creative Power”. Dần dần sau đó thì phương pháp này ngày càng phổ biến và được áp dụng trong các lĩnh vực hoạt động thiên về sáng tạo. Tuy nhiên, đến năm 1963 thì thuật ngữ Brainstorming mới được ông phổ biến trong quyển sách “Applied Imagination”.

Ngày nay, Brainstorming được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua việc thu thập các thông tin, ý kiến của cá nhân hoặc thành viên trong một nhóm để đưa ra kết luận đã phát huy được sự hiệu quả cũng như đảm bảo vấn đề thời gian, đồng thời cũng có thể tăng tính đoàn kết trong nhóm.

#Phương pháp áp dụng

Theo như Osborn thì Brainstorming là “Một kỹ thuật hội ý bao gồm một nhóm người nhằm tìm ra lời giải cho vấn đề đặc trưng bằng cách góp nhặt tất cả ý kiến của nhóm người đó nảy sinh trong cùng một thời gian theo một nguyên tắc nhất định.” Do đó, để áp dụng phương pháp này thì đòi hỏi bạn phải làm việc nhóm, từ 5-9 người thì đẹp (10 đứa thì lại LOL hay Dota mất), nhóm tốt nhất nên là một số lẽ. Tất nhiên, Brainstorming cũng có thể áp dụng được cho cá nhân, nhưng mà một cái đầu sẽ ít ý kiến và ý tưởng hơn nhiều cái đầu chụm lại.

brainstorm3

Lưu ý: Một lần Brainstorming về một vấn đề gì đó thì chỉ nên kéo dài tối đa 1 đến 2 giờ. Và sẽ được chia ra làm 2 giai đoạn: huy động ý tưởng và chấm điểm ý tưởng.

Giai đoạn 1: huy động ý tưởng

Trước tiên, nhóm trưởng sẽ trình bày vấn đề cần phải Brainstorming, phải thu thập đầy đủ các thông tin để mọi người trong nhóm nắm rõ về vấn đề cần có ý tưởng. Buổi Brainstorming có đi đúng hướng không sẽ phụ thuộc vào những phân tích ban đầu của nhóm trưởng.

Tiếp theo đó, nhóm trưởng hoặc thư ký sẽ phát cho mỗi thành viên một tờ giấy A4 hoặc A3 kèm theo đó là một cây viết chì để mọi người ghi chép ý tưởng của mình lên đó. Vấn đề ghi chép này tùy mỗi nhóm, có thể sẽ dùng giấy A0 để mọi người ghi chung cũng được. Hoặc có thể dùng stick note để ghi, sau khi ghi xong thì dán tất cả lên tường.

brainstorm1

Sau khi phát xong thì mọi người sẽ ghi các ý tưởng của mình ra giấy được phát. Bạn cứ việc thoải mái ghi những gì mà mình nghĩ, cho dù ý tưởng đó giống như cơn gió thoảng qua, không nên quá gò bó mình “Hãy cho trí tưởng tượng bay xa và bay thật cao”. Bạn cũng không nên quá quan trọng việc bạn có viết đẹp hay không? Chỉ cần bạn liên tục ghi ra những dòng suy nghĩ của mình là được. Mục đích của việc này không phải là cho ra một ý tưởng hoàn hảo, mà nó là một bản nháp, vì ý tưởng của mình có thể sẽ “Song kiếm biến hình” với ý tưởng của người khác trong nhóm.Ý tưởng được viết ra sẽ được sàn lọc lại và kết hợp với các ý tưởng và ý kiến của mọi người để hoàn thiện.

Giai đoạn ghi ý tưởng này nên kéo dài từ 10-15 phút là đủ, không nên kéo dài quá lâu.

Giai đoạn 2: chấm điểm ý tưởng

Gom lại các tờ giấy ghi của các thành viên, sau đó sẽ xếp lại để mọi người có thể cùng xem và tiến hành thẩm định và chấm điểm các ý tưởng được đưa ra. Các ý tưởng phải được xem xét cẩn trọng, phải phân tích các điểm mạnh, yếu của từng ý tưởng. Những ý tưởng tuyệt vời phải đáp ứng được tiêu chí FA (Feasible, Attractive) sẽ để dành sang một bên.

brainstorm

Tất nhiên, mọi ý tưởng đều phải được tôn trọng. Tuy nhiên, có ý tưởng sẽ sát với thực tế và khả thi. Bạn cũng hãy thử kết hợp các ý tưởng lại với nhau, biết đâu đó sẽ lại là một “Gấu trúc biến hình”.
Lưu ý: Bay cao bay xa là cần thiết, nhưng phải nằm trong khuôn khổ của chủ đề cần thảo luận nhé. Ví dụ: dầu ăn thì không liên quan đến các vấn đề chính trị, khủng bố ở Ukraina hay máy bay MH-317 đâu nhé? Đừng đi quá xa, đó sẽ là một phần phá vỡ buổi Brainstorming đó. Do đó, nhóm trưởng phải thường xuyên lưu ý.

#Tổng kết

Đó chỉ là những nét sơ bộ về Brainstorming thôi. Để tìm hiểu sâu về Brainstorming thì các bạn cần phải đọc rất nhiều tài liêu về nó. Bên trên là những kiến thức tôi được học và kinh nghiệm qua các lần áp dụng.
Tôi không thể sao chép các bài viết trên các website khác và đăng lên izwebz được. Do đó, tôi sẽ gửi các bạn các bài viết hay về Brainstorming để các bạn tham khảo và áp dụng nó cho cá nhân hoặc nhóm của mình.
Brainstorm – Nghĩ đúng, hiểu đúng, làm đúng
Phương pháp và kỹ thuật trong Brainstorming
Phương pháp não công – Brainstorming
How to Brainstorm – 21 Steps with images