Khi tạo ra trang web bạn đã biết được rằng ai là đối tượng người đọc của mình và bạn viết bài tập trung vào nhóm người đọc đó. Ở những ngày đầu tiên phát triển trang web, có thể bạn viết rất nhiều và bao quát toàn bộ các chương mục trên trang web. Nhưng rồi thời gian trôi qua, kiến thức của bạn cũng tốt hơn. Bạn bắt đầu tập trung vào những bài có kiến thức cao và độ khó cũng cao.

Có bao giờ bạn thử dừng lại và nghĩ xem bạn đang bỏ lỡ đi một cái gì không? có đấy! có thể bạn đã bỏ quên đi một nhóm người đọc cũng rất quan trọng của bạn. Đó là nhóm những người mới bắt đầu hay còn được gọi là Newbies. Có thể trong trang web của bạn cũng còn đó những bài cho người mới bắt đầu, nhưng kiến thức đó đã cũ, lâu không được chỉnh sửa và ít được bàn tay bạn quan tâm chăm sóc. Có thể bây giờ bạn đang viết những bài rất hay, nhưng kiến thức của nó đã quá xa vời với những người mới học.

Trong một trang web thường tồn tại 3 dạng người đọc: Người mới bắt đầu, người có trình độ trung bình và những người đã thành thạo. Hình tượng hoá nó lên, bạn hình dung nó như một hình kim tự tháp. Người mới bắt đầu thì nhiều và người thành thạo thường là ít hơn. Để không bỏ lỡ một đối tượng người đọc nào của trang web, bạn nên:

1. Có hệ thống kiến thức

Kiến thức trên trang web của bạn nên có hệ thống rõ ràng, được phân chia từ dễ đến khó. Trong khi viết bài cho những phần kiến thức nâng cao, nếu phải đề cập đến những kiến thức thấp hơn. Bạn nên link nó đến những bài đó, đừng để người đọc phải tự đi tìm. Bạn là người biết rõ trang web của mình hơn ai hết.

2. Viết tutorial dưới con mắt của người mới bắt đầu

Có nhiều người khi viết tutorial tự cho rằng đoạn này người đọc đã biết. Thực chất bạn không thể biết được đối tượng nào đang đọc tutorial đó. Do vậy, bạn nên viết dưới quan điểm của người đang mới học. Ví dụ bạn có thể nói “bây giờ chỉ việc thêm Stroke với giá trị Outline = 1 Px là xong“. Có thể người nào rành về Photoshop, người ta hiểu bạn nói gì. Nhưng những ngừời mới bắt đầu thì chịu thua.

doi tuong nguoi doc
3. Trả lời câu hỏi bằng tutorial

Một khi có câu hỏi nào đó được nhiều người hỏi, bạn nên viết một tutorial cho nó. Ví dụ có rất nhiều người hỏi cách “viết tiếng Việt trong Photoshop như thế nào”, bạn có thể dành thời gian và viết một tutorial rõ ràng về nó. Sau này có ai hỏi bạn chỉ việc link đến tutorial đó là xong.

4. Có bài hướng dẫn căn bản

Có thể khi trang web của bạn đã phát triển mạnh với nhiều bài viết. Sẽ rất khó cho người đọc theo dõi. Bạn nên có những bài hướng dẫn căn bản, ở trong đó bạn chỉ ra từng bước cần làm gì và có link đến các bài khác.

Kết luận

Với một trang web, người đọc là tất cả ý nghĩa cho một trang web tồn tại. Nói cách khác, khi không có người đọc, trang web đó không còn là một trang web nữa. Do vậy, khi người đọc đến với trang web của bạn, bạn hãy cố gắng quan tâm đến từng đối tượng người đọc. Đừng vì trang web của bạn đã lớn mạnh mà quên đi những nhu cầu tất yếu của nhóm bạn đọc mới bắt đầu. Một ngày nào đó, họ sẽ cảm ơn bạn vì điều bạn làm.